Sách - Tự Lực Văn Đoàn Với Vấn Đề Phụ Nữ Ở Nước Ta
210.000
Đến nơi bán
Tác giả: Nhiều tác giả
Nhà xuất bản : nhà xuất bản Phụ nữ
Năm xuất bản : 2021
Công ty phát hành: Nhà xuất bản phụ nữ
trang : 600
Cuốn sách 'Tự Lực văn đoàn với Vấn đề phụ nữ ở nước ta' là một công trình khảo cứu được biên soạn công phu bởi nhóm chuyên gia thuộc Viện Văn học Việt Nam, thuộc Tủ sách Phụ nữ tùng thư – Tủ sách Giới và Phát triển của Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam.
Nhắc đến mối liên quan giữa Tự Lực văn đoàn với vấn đề nữ quyền, hẳn độc giả khó có thể không nhắc đến bộ tứ tiểu thuyết lừng danh Nửa chừng xuân (Khái Hưng), Đoạn tuyệt (Nhất Linh), Lạnh lùng (Nhất Linh), Thoát ly (Khái Hưng).
Cho đến nay, bộ tứ này vẫn đáng được xem là những tác phẩm tiêu biểu nhất, những tiếng nói mạnh mẽ và quyết liệt nhất, trong cuộc đấu tranh đòi các quyền phụ nữ và nữ quyền ở Việt Nam lúc bấy giờ.
Những tác phẩm ấy đã vượt ra ngoài khuôn khổ của trang sách, của các thụ hưởng nghệ thuật, để tác động vào đời sống, động viên và cổ vũ những cô gái mới khẳng định giá trị cá nhân cá thể của mình, biết yêu quý trân trọng tuổi xuân, để “lạnh lùng” mà “đoạn tuyệt” và “thoát ly” chế độ và luân lý cũ, vốn chỉ bóp nghẹt tự do và giam hãm người phụ nữ vào trong không gian và sự chuyên chế của gia đình trưởng giả truyền thống.
Nhưng không chỉ có thế, Tự Lực văn đoàn còn góp những tiếng nói thiết thực hơn, với một phong cách hóm hỉnh vào phong trào nữ quyền đang dấy lên mạnh mẽ lúc bấy giờ.
Tập hợp và tuyển chọn từ các bài báo đăng trên tờ báo nổi tiếng của nhóm Tự Lực văn đoàn là Phong hóa và sau là Ngày nay, cuốn sách này gồm các bài viết chuyên về vấn đề phụ nữ.
Khác với hình dung của nhiều người, hình thức nữ giới được đặc biệt chú trọng trong các đề xuất cách tân, là điểm đặc biệt thú vị của “nữ quyền kiểu Tự Lực”, mà điển hình là chuyên đề lừng danh về Y phục phụ nữ của họa sĩ Le mur Nguyễn Cát Tường, làm dấy lên cả một cuộc cách mạng mà lịch sử thời trang Việt Nam ghi nhận như một mốc son hiếm có.
Bên cạnh việc hướng dẫn chải chuốt sửa soạn hình dong sao cho thanh lịch và hợp thời, những bài viết bàn về công, ngôn, hạnh xuất hiện đều đặn và khá nhiệt thành trong việc kêu gọi các bà các cô thoát bỏ cái cổ hủ lạc hậu, đón chào tiếp thu cái mới, tân tiến.
Điểm hấp dẫn không thể bỏ qua nữa là các bài viết thời sự, tường thuật các hoạt động diễn thuyết “nhời đàn bà”, một hoạt động nổi đình nổi đám thời đó, các sự kiện thời trang, lễ lạ mà ở đó sức mạnh của phong trào giải phóng nữ giới thể hiện rõ rệt sắc nét hơn cả.
Những diễn tiến lịch sử đó của phong trào phụ nữ đầu thế kỷ được thuật lại trên Phong hóa – Ngày nay với một phong cách riên, kiểu của các bậc tu mi nam tử thú vị ngắm một nửa thế giới nô nức trẩy hội, không khỏi buông chút trào phúng tinh nghịch của những bậc trí giả trong buổi đầu văn minh đòi bình quyền của giới quần thoa.
Nhân dịp ra mắt sách Tự Lực văn đoàn với Vấn đề phụ nữ ở nước ta, ngày 24/3, Viện Pháp tại Hà Nội – L’Espace và Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam cũng sẽ phối hợp tổ chức Tọa đàm “Một thế kỷ phong trào phụ nữ Việt Nam – Từ kinh nghiệm hiện đại hóa đối diện các thách thức và cơ hội trong thời đại 4.0".
Tọa đàm này mong muốn trở thành một diễn đàn cho các diễn giả và cử tọa thảo luận về các bài học kinh nghiệm đấu tranh cho quyền phụ nữ, nữ quyền, đòi hỏi nam nữ bình quyền trong quá khứ và kết nối di sản tranh đấu ấy vào quá trình khẳng định vị thế, vai trò, ý thức tự vận động và vươn lên của phụ nữ Việt Nam trong thời đại cách mạng xã hội 4.0 hôm nay.
Tủ sách Phụ nữ tùng thư (Tủ sách Giới và Phát triển) của Nhà xuất bản Phụ nữ là tủ sách công bố các công trình về vấn đề phụ nữ (the question of women), hướng tới các nhận thức và thực hành quyền phụ nữ (women’s rights), cũng như đấu tranh cho nữ quyền (feminism), vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam và sự phát triển bền vững của đất nước.